Trong xu thế hội nhập và phát triển về mọi mặt của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng, Việc thu thập thông tin xuất nhập khẩu chủ yếu trước đây dựa trên thống kê nghiệp vụ và cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy vậy, thực tế gần đây phản ánh phương pháp thống kê nghiệp vụ và cách tổ chức thông tin này bộc lộ nhiều nhược điểm như: thời gian thực hiện cung cấp thông tin bị kéo dài; công tác quản lý dữ liệu xuất nhập khẩu như cập nhật, thống kê, tìm kiếm, báo cáo qua từng thời gian chậm; công tác thu thập thông tin vấp phải nhiều trở ngại, khó khăn vì hiện nay chưa có chế tài để buuộc doanh nghiệp thực hiện báo cáo hàng tháng hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đến Sở Công Thương (Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất (tùy tình hình) Sở Công Thương liên hệ bằng điện thoại với doanh nghiệp “xin” số liệu; trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, khó khăn của doanh nghiệp nhưng kết quả chỉ dừng lại ở việc “doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin” đồng nghĩa với việc số liệu đôi khi thiếu tính pháp lý, ít nhiều ảnh hưởng đến việctha mưu ban hành các chương trình, chính sách phát triển xuất nhập khẩu tỉnh nhà).
Ngoài ra, các doanh nghiệp, đối tác kinh doanh ngoài tỉnh thiếu thông tin để hợp tác, đầu tư; doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh chưa có cơ hội cập nhật thông tin liên quan, nhất là các rào cản thương mại một cách kịp thời, nhanh chóng. Vì vậy, yêu cầu thông tin phục vụ quản lý kinh tế trong tình hình mới và những tồn tại của hệ thống thông tin thu thập qua phương pháp thống kê nghiệp vụ, yêu cầu cấp bách đặt ra là phải đổi mới phương pháp thu thập thông tin và nguồn thông tin.
Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tin học hóa các giao dịch giữa tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với cơ quan hành chính nhà nước và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau, để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước;
Việc ứng dụng hệ thống thông tin xuất nhập khẩu phục vụ doanh nghiệp của cơ quan hành chính nhà nước được xem là một giải pháp hiệu quả, tăng cường năng lực phục vụ, hướng tới công khai, minh bạch, đơn giản, rõ ràng và đúng pháp luật.
Triển khai Hệ thống thông tin xuất nhập khẩu mang lợi ích sau đây:
- Đối với lãnh đạo: Tăng cường hiệu quả công việc quản lý điều hành, nhanh chóng kiểm tra phát hiện các đầu mối thông tin chậm, có số liệu để tổng hợp, phân tích và đánh giá tình hình một cách chính xác, làm cho công việc quản lý điều hành được hiệu quả hơn.
- Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Dễ dàng kiểm soát được quá trình thu thập thông tin xuất nhập khẩu tại đơn vị. Tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian, tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, giảm tiêu cực, cơ chế rõ ràng minh bạch. Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, quản lý của cơ quan công quyền.
Đối với doanh nghiệp: Dễ dàng thực hiện cung cấp thông tin xuất nhập khẩu của doanh nghiệp cho cơ quan quản lý có thẩm quyền, tra cứu thông tin và tình trạng của hồ sơ, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, không cần thiết phải đến cơ quan hành chính nhiều lần.