Từ trước đến nay, trong xây dựng các công trình, gạch đất sét nung là vật liệu xây dựng truyền thống. Để sản xuất loại gạch này, phải sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu là đất sét, nhiên liệu nung đốt gồm củi và than, đá. Quá trình nung đốt đã tiêu hao nhiều oxi, đồng thời cũng sản sinh ra một lượng lớn về nhiệt và khí thải CO2 , SO2, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân xung quanh.
Những năm gần đây, gạch đất sét nung được sản xuất theo công nghệ hiện đại bằng lò tuy nen. Tuy nhiên, vẫn phải tiêu tốn một lượng lớn đất sét cũng như sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch. Ước tính, để sản xuất một tỉ viên gạch quy tiêu chuẩn (QTC), sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, 150 nghìn tấn than và thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, SO2. Dự báo đến năm 2020 nhu cầu vật liệu xây nước ta khoảng 42 tỉ viên gạch QTC, con số tiêu tốn sẽ tăng lên khoảng 60 triệu m3 đất sét, hơn 5 triệu tấn than và theo đó sẽ thải ra 17 triệu tấn khí CO2, SO2. Qua đó, thấy rằng việc sử dụng vật liệu xây từ vật liệu nung có ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái.
Trong xu thế phát triên bền vững, việc thay thế gạch đất sét nung bằng gạch xây không nung là tất yếu trong hiện tại và tương lai, khi mà tài nguyên thiên nhiên ngày càng khan hiếm. Việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, mà cụ thể là:
1. Không phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho việc đốt, nên không thải ra khí độc hại, bảo vệ được môi trường, hạn chế được các tác động bất lợi về môi trường sinh thái, đảm bảo tăng trưởng xanh.
2. Không sử dụng nguyên liệu từ đất sét nên không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực.
3. Nguyên liệu đầu vào rất dồi dào đồng thời tiêu thụ được một phần đáng kể phế thải từ các ngành sản xuất khác như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng..., góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải. Theo quy hoạch phát triển ngành điện và luyện kim thì lượng tro, xỉ phát thải hàng năm tăng rất nhanh. Dự kiến đến năm 2020 lượng phế thải tro, xỉ khoảng 45 triệu tấn sẽ mất khoảng 1.100 ha mặt bằng chứa phế thải.
4. Việc sử dụng gạch xây không nung loại nhẹ còn giảm được tải trọng công trình xây dựng, do đó tiết kiệm vật liệu làm móng và khung chịu lực, đẩy nhanh tiến độ thi công. Mặt khác gạch nhẹ với tính cách nhiệt cao nên sẽ góp phần tích cực vào Chương trình tiết kiệm năng lượng.
5. Gạch không nung được sản xuất với nhiều kích thước khác nhau, nên tiện lợi trong thiết kế, thi công và tăng năng suất lao động.
6. Cường độ gạch không nung sau khi xây vào công trình tăng lên theo thời gian còn gạch nung thì giảm theo thời gian.
7. Giá thành gạch xây không nung thấp hơn gạch nung cùng loại nên giảm được chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Từ những lợi ích căn bản đó, trong Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 đã đưa ra mục tiêu: “Phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung để thay thế gạch đất sét nung, tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường, tác hại đến sức khỏe con người, đến vật nuôi, cây trồng, sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm chi phí, xử lý phế thải, tiết kiệm nhiên liệu than”. Trong đó, đến năm 2015 vật liệu xây không nung chiếm tỷ lệ 20 – 25% vật liệu xây và đạt tỷ lệ 30 – 40% vào năm 2020, trong đó gạch nhẹ chiếm 25% trên tổng số vật liệu xây không nung (~ 6 triệu m3 bê tông nhẹ). Để thực hiện chủ trương này, Bộ Xây dựng đã cụ thể hóa lộ trình tại Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 với việc quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước theo lộ trình:
- Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung (VLXKN) kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (ngày 15/01/2013)
- Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 phải sử dụng 100%.
- Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, từ 2013 đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây).
Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đối với vật liệu xây không nung đến 2015 tiếp tục đầu tư mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất để có tổng công suất 6 tỷ viên quy tiêu chuẩn. Giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục đầu tư mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất để đạt công suất thiết kế trên toàn quốc đạt khoảng 13 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm.
Với Hà Tĩnh thì chủ trương này vừa là thời cơ vừa là thách thức vì rằng phát triển vật liệu xây không nung sẽ mang lại hiêu quả cho xã hội, thúc đẩy việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy vậy, nó cũng đặt ra cho Hà Tĩnh những khó khăn trong việc thực hiện theo lộ trình của Chính phủ bởi vì:
- Việc sử dụng vật liệu xây trong các công trình xây dựng từ xưa tới nay theo truyền thống chủ yếu là sử dụng gạch đất sét nung.
- Nguồn cung ứng cho thị trường vật liệu xây trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và hiên tại chủ yếu là từ trên 20 nhà máy gạch nung công nghệ lò tuy nel với tổng công suất trên 500 triệu viên/năm.
- Công tác tuyên truyền để hiểu biết và thay đổi nhận thức trong việc sử dụng vật liệu xây không nung còn hạn chế.
- Việc đầu tư sản xuất gạch không nung hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu thị trường về số lượng, chất lượng, chưa tạo được ưu thế của sản phẩm để cạnh tranh với gạch nung.
- Việc chuyển đổi từ sản xuất gạch nung sang gạch không nung cần có lộ trình phù hợp và kinh phí hỗ trợ để thực hiện.
Ngay sau khi có chủ trương của Chính phủ về phát triển VLXKN thì UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì lập Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đã xác định chiến lược phát triển VLXKN phù hợp với lộ trình của Chính phủ, …và đến năm 2014 đã điều chỉnh bổ sung Quy hoạch phát triển VLXD tại Quyết định 3514, trong đó, đã đưa vào quy hoạch 17 nhà máy sản xuất gạch xây không nung, với sản lượng hàng năm đạt 350 đến 400 triệu viên QTC. Như vậy, theo quy hoạch thì đến năm 2020 sản lượng gạch xây không nung trên điạ bàn tỉnh đảm bảo thay thế 50-60% gạch nung và theo đó sẽ đáp ứng được lộ trình đề ra của Chính phủ. Đồng thời Sở Xây dựng cũng đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 25/8/2016 về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và lộ trình giảm dần sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện chủ trương và quy hoạch này, năm 2014, Sở Xây dựng đã cùng một số cơ quan có liên quan và một số doanh nghiệp tổ chức phổ biến, giới thiệu về công nghệ và đi tham quan các cơ sở sản xuất gạch xây không nung trong nước. Qua đó, đến nay (năm 2016) đã có 10 nhà máy sản xuất gạch xây không nung được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê đất để sản xuất (trong đó có 09 sản xuất gạch bê tông cốt liệu và 01 bê tông khí chưng áp ACC), Hiện tại đã có 05 nhà máy đi vào hoạt động, đưa sản phẩm tiêu thụ ra thị trường, với công suất hàng năm đạt 50-60 triệu viên QTC/năm; 05 nhà máy đang đầu tư xây dựng dự kiến đến đầu năm 2017 sẽ đi vào sản xuất đạt tổng công suất khoảng 200triệu viên QTC/năm. Trong đó, đã có một số nhà máy cho ra sản phẩm với chất lượng tốt, giá thành thấp hơn gạch nung cùng chủng loại như nhà máy gạch ở Hồng Lĩnh, Thạch Liên, Kỳ Anh đang cung cấp cho nhiều công trình trên địa bàn tỉnh. Nhiều nhà ở dân cư đã và đang chuyển dần sang sử dụng loại gạch này vì nó có nhiều ưu thế vượt trội.
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất và sử dụng gạch không nung ở tỉnh ta, đáp ứng theo lộ trình của Chính phủ, xin đề xuất một số giải pháp sau:
1. Để phát triển sản xuất bền vững, tạo dựng được thị trường sử dụng vật liệu xây không nung, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải đầu tư chiều sâu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, đổi mới thiết bị, nâng cao trình độ tự động hóa, kiểm soát phối liệu, điều khiển quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường xây dựng; tăng cường sử dụng phế thải công nghiệp, tiết kiệm nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu trên thương trường bằng uy tín, chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý. Cụ thể là phải đáp ứng các ở các tiêu chí cơ bản sau:
- Trọng lượng viên gạch phải nhẹ hơn gạch nung cùng loại;
- Cường độ và khả năng chống thấm đảm bảo theo tiêu chuẩn, tối thiểu tương đương gạch nung là tuy nen.
- Quy cách, mẫu mã phải đa dạng theo nhu cầu thị trường
- Giá bán phù hợp để góp phần hạ giá thành công trình.
2. Các doanh nghiệp sản xuất phải đăng ký công khai nhãn mác, chất lượng sản phẩm và cung cấp ra thị trường phải đúng chất lượng sản phẩm theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6477-2011 đối với gạch xi măng cốt liệu, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5979-2011 đối với bê tông nhẹ AAC, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9028-2011 đối với bê tông bọt, bê tông khí không chưng áp. Chất lượng phải đảm bảo theo Quy chuẩn QCVN:16-2014/BXD.
3. Nhà thầu tư vấn thiết kế xây dựng công trình cần nghiên cứu, nắm vững tính năng ưu việt, hiệu quả kinh tế kỹ thuật của vật liệu xây không nung để đưa vào thiết kế xây dựng công trình theo tinh thần Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 09 của Bộ Xây dựng, nhằm thực hiện Quyết định 567 của Thủ tướng Chính phủ và giúp cho chủ đầu tư trong việc quyết định sử dụng vật liệu xây không nung vào xây dựng công trình.
4. Các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung; tính năng ưu việt của nó về hiệu quả kinh tế xã hội, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường khi sử dụng để xây dựng công trình; tạo dựng thị trường tiêu thụ mạnh mẽ vật liệu xây không nung.
5. UBND tỉnh cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích thu hút đầu tư trong triển khai sản xuất gạch xây không nung, trong sử dụng chất thải công nghiệp tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, phế thải đá mạt của các xí nghiệp khai thác, chế biến đá xây dựng để sản xuất vật liệu xây không nung bảo vệ môi trường sinh thái.
6. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn việc thực thi Thông tư 09, bắt buộc các chủ đầu tư phải sử dụng vật liệu xây không nung vào xây dựng công trình được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, nhà ở xã hội, nhà cao tầng.
7. UBND tỉnh cần có chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương sớm phối hợp xây dựng lộ trình và giải pháp thực hiện Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 25/8/2016.
8. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vật liệu xây không nung và xử lý nghiêm các vi phạm…
Từ những lợi ích như vây, việc sử dụng vật liệu xây không nung sẽ mang lại hiệu quả to lớn về KT-XH và là xu thế tất yếu cho phát triển bền vững.